Lạm phát được hiểu đơn giản là việc làm cho sức mua của đồng tiền giảm xuống so với giá trị ban đầu. Khi lạm phát xảy ra, nó sẽ đe dọa túi tiền của mọi gia đình, đẩy chi phí các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và thực phẩm vượt ngoài tầm kiểm soát. Hiện nay, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong – hậu covid và cuộc xung đột Nga – Ukraine càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Giá năng lượng và lương thực-thực phẩm là 2 yếu tố nổi bật nhất trong việc đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào ?
1. Giá vàng:
Khi lạm phát quá cao và việc tăng lãi suất không hiệu quả, vàng sẽ bước vào một đợt tăng dữ dội. Thời điểm lạm phát xảy ra, dòng tiền sẽ tìm đến nơi trú ẩn an toàn, khi đó lượng mua vàng tích trữ nhiều hơn đồng nghĩa giá vàng cũng vì thế mà tăng cao. Có thể thấy trong khoảng thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh và luôn duy trì giao dịch ở mức giá cao.
2. Lãi suất cho vay tăng
Với việc Fed nâng lãi suất cao (hiện tại là 1.75% và dự báo sẽ vào khoản 3-4%) không chỉ có tác động đến kinh tế nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác: HongKong, Đức, Ấn Độ,… trong đó có Việt Nam. Hậu quả là sẽ gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển với việc: lãi suất điều hành tăng sẽ kéo theo lãi vay mua nhà, mua ô tô, lãi thẻ tín dụng và vay kinh doanh, ….. Với những hậu quả trên, hệ lụy sâu hơn sẽ là việc hãm phanh nền kinh tế khi tiêu dùng của người dân giảm mạnh, các doanh nghiệp hoạt động trì trệ và ngại đi vay để đầu tư – phát triển thị trường. Ngoài ra, với việc lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới các khía cạnh sau:
- Lãi suất cao, Việt Nam dùng vay nợ để phát triển kinh tế. Chính phủ mắc nợ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho việc trả nợ, từ đó gây ảnh hưởng đến ngân sách cho những việc: chống dịch & xóa đói giảm nghèo; các gói kích thích kinh tế để phát triển; ….
- Bên cạnh đó, với việc nâng lãi suất thì dòng vốn chảy từ các nước đang phát triển sẽ trở về Mỹ. Hệ quả là nhu cầu của đồng USD tăng lên so với nguồn cung ổn định sẽ đẩy giá USD lên và khiến giá các đồng tiền khác bị mất giá. Để có thể bảo vệ đồng nội tệ thì các ngân hàng trung ương cũng sẽ phải nâng lãi suất theo để tránh việc đồng tiền trong nước không ổn định. Hậu quả là sẽ một lần nữa kéo tụt tăng trưởng, xóa sổ nhiều việc làm và nhiều doanh nghiệp ngại đi vay để đầu tư.
3. Nguyên vật liệu
Giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao. Theo Cục Thống kê: “Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%”, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc… đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. Vì vậy, khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng giá, Việt Nam phải chịu chi phí đầu vào cao nên dễ dẫn đến sự tăng giá trong quá trình sản xuất nếu không muốn thua lỗ.
4. Doanh nghiệp kinh doanh
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023. Với việc lạm phát tăng mạnh, nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng với việc lãi suất vay nợ cao, nhu cầu người tiêu dùng giảm mạnh trong chi tiêu sẽ ảnh hưởng rất nhiều với doanh nghiệp trong giai đoạn này. Điển hình trong giai đoạn này có thể nhắc đến “bão giá thép” trong quý 1/2022 khi đã khiến nhiều chủ đầu tư choáng váng vào cuối tháng 3 với việc lên gần 21 triệu đồng/tấn, vượt rất xa đỉnh cũ năm 2021, hậu quả là việc doanh nghiệp dễ bị “xói mòn” lợi nhuận do chi phí đầu vào quá cao.
Đồng thời, với các dự án đầu tư công, dự toán đã hoạch định xong thì hiện tại giá lại tăng cao do lạm phát nên sẽ tiếp tục bị dừng lại để điều chỉnh, phải dở dang, kéo dài, vốn đầu tư tăng so với kế hoạch và gây ra sự chậm trễ trong việc phục hồi và phát triển nền kinh tế. Cụ thể, gói phục vụ cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển chiếm tới 113,85 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chưa giải ngân tốt là hệ quả của việc giá nguyên vật liệu tăng quá mạnh (dự kiến tăng khoảng 12-18% theo khảo sát) đã khiến cho hàng loạt dự án đầu tư công bị chậm tiến độ vì không thể giải ngân.
5. Chi phí chìm
Ngoài việc phải đối mặt với việc nguyên vật liệu tăng cao, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về chi phí như vận chuyển, khấu hao, lãi vay, tiền lương, … Cụ thể ở đây trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid, cước phí vận chuyển bằng đường biển chỉ từ 1.000 – 3.000 USD/container, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 10.000 USD/container và đến thời điểm hiện tại đã là 14.000 – 15.000 USD/container 40 feet. Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí lãi vay cao cộng với việc đứt “chuỗi cung ứng” dẫn đến hệ quả là việc không thể tối ưu hóa công suất làm việc của nhân công và trang thiết bị.
Nhìn chung, Việt Nam đã đi theo xu hướng chung toàn câu đó là siết cung tiền và chi tiêu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu tích cực hơn thế giới khi GDP quý 1/2022 của Việt Nam tăng 5% và việc lãi suất tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kì. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn cần rất thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu đi lên trên toàn thế giới do đặc điểm kinh tế nước ta có độ mở lớn.