Nói về vai trò của đầu tư công trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. TS Lê Thẩm Dương, nguyên Trưởng khoa Tài chính, ĐH Ngân hàng TPHCM, nhìn nhận thực tế ngân sách các quốc gia nói chung, trong đó có Việt Nam, luôn hạn chế so với nhu cầu chi tiêu, nhất là cho đầu tư phát triển. Do vậy, khi cần kích thích tăng trưởng, nhất là bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, đi vay đầu tư là một lựa chọn.
“Người ta vẫn vay, không phải lúc bí mới vay. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật đang nợ rất nhiều. Có nhu cầu và còn dư địa thì vay là chuyện rất bình thường, thậm chí không còn dư địa, khi cần vẫn phải vay”, TS. Lê Thẩm Dương nêu quan điểm về nợ công và cho rằng, người sử dụng tài chính “điêu luyện” thì luôn có nợ nếu cần phải nợ và trong trường hợp này nợ đóng vai trò là “đòn bẩy” tài chính, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong bối cảnh cần có cú hích cho tăng trưởng sau đại dịch, TS. Lê Thẩm Dương nhìn nhận, vấn đề là việc sử dụng nợ như thế nào để tạo “cú hích” mạnh mẽ, hay nói cách khác, phải có “điểm tựa” vững chắc để đòn bẩy phát huy hiệu quả. “Nợ chỉ phát huy tác động tích cực, hay nói chính xác là có tác dụng “đòn bẩy” khi điểm tựa tốt. Do đó, việc cần quan tâm chính là sự vững chắc của điểm tựa, để ra quyết định vay hay không vay và mức độ vay trên GDP, làm sao cho khoản nợ công đó đóng vai trò đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế”.
Xem bài viết đầy đủ tại: Baochinhphu.vn