Giới thiệu về The Crownx
Được thành lập vào ngày 16/06/2020, cho đến nay, Công ty cổ phần The CrownX, thuộc tập đoàn Masan đã và đang có những làn sóng phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Đây là công ty sở hữu 85.71% cổ phần của Công ty cổ phần Masan Consumer Holdings (MCH) và 83.74% cổ phần công ty Dịch vụ Thương mại Vincommerce (VCM). Theo lý giải của Masan, tên gọi The CrownX xuất phát từ chữ Crown trong Tiếng Anh nghĩa là vương miện với hàm ý coi khách hàng là vua, là nữ hoàng. Còn chữ X đại diện cho các ý tưởng đột phá và công nghệ. Chính vì vậy, khi thành lập the CrownX, Masan đã thể hiện rõ tham vọng trước hết của mình là chinh phục thị trường bán lẻ tại Việt Nam, cả truyền thống lẫn hiện đại tại, thiết lập hệ sinh thái “tiêu dùng – công nghệ” (Cosumer – Tech) với khách hàng là trung tâm.
Ngày 13/12 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố ký kết giao dịch trị giá 350 triệu USD cho khoản đầu tư vào The CrownX với các nhà đầu tư bao gồm TPG, Platinum Orchid và Seatown Fund. Sau giao dịch này, The CrownX được định giá 8.2 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương 105 USD cho mỗi cổ phiếu. Mức giá này cho thấy giá trị của The CrownX đã tăng 12% so với vòng huy động vốn trước đó và không ngoại trừ khả năng nó sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai. Hiện tại, khi kết thúc giao dịch, Masan đã sở hữu 81.4% cổ phần của công ty này và có kế hoạch tiếp tục mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu, đặt mục tiêu IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024.
The CrownX được kỳ vọng trở thành “kỳ lân” trong ngành tiêu dùng, tạo đà cho Masan trở thành một tập đoàn thương mại điện tử, tài chính và thanh toán lớn nhất Việt Nam như Alibaba đã làm tại Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan. Tại Việt Nam, dù có sự xuất hiện của nhiều “đại gia” trong ngành hàng tiêu dùng, kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm đến 90% toàn ngành bán lẻ và thương mại điện tử chỉ chiếm 2%, chủ yếu là các mặt hàng không thiết yếu. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Singapore,… với tỷ trọng của thương mại điện tử lên đến 90%, cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và còn nhiều tiềm năng cho The CrownX cũng như Masan khai thác.
Masan tin rằng công nghệ sẽ là bánh đà thúc đẩy tiềm lực của mình trong tương lai và hiện đang kết hợp kinh nghiệm phục vụ người tiêu dùng và công nghệ vào cùng một nền tảng. Trong thời gian tới, cùng với việc áp dụng mô hình mini-mall tích hợp các tiện ích đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu từ online đến offline tại The CrownX, Masan sẽ thực thi mạnh mẽ hơn các giải pháp fin-tech (công nghệ tài chính) như “mua trước trả sau” bằng cách tận dụng cơ sở khách hàng thân thiết, với mạng di động Reddi là nền tảng cốt lõi.
Về tiềm năng phát triển của Masan:
– Giá mục tiêu lên 176.800đ theo phương pháp định giá từng phần. Quyết định bỏ mức chiết khấu 10% mô hình tập đoàn do MSN hiện đang dần trở thành một doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng chuyên biệt và rời ra khỏi những ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp và không ổn định.
– Dưới góc nhìn kỹ thuật để lựa chọn điểm mua-bán, cổ phiếu MSN có đà tăng trưởng ổn định. Các chỉ báo động đang ở top giữa thị trường, nhưng trạng thái tích lũy tốt. Do đó chiến lược phù hợp là Nắm giữ.
Có thể thấy rằng, với những nguồn lực sẵn có cùng khả năng huy động vốn “khủng” từ các nhà đầu tư trên thế giới (1.5 tỷ USD vốn huy động tính từ nửa đầu năm 2020), Masan sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai và được kỳ vọng trở thành “ông lớn” không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trên thế giới.