Vượt stress bằng cách thực hành lòng biết ơn

Đăng ngày: 23/01/2024

Bài viết do đội ngũ cộng sự của Trường Doanh Nhân PR tổng hợp từ nhiều nguồn và biên tập lại.

grateful

Viết ra những điều bản thân cảm thấy biết ơn mỗi ngày là cách để vượt qua giai đoạn khó khăn, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, theo các chuyên gia.

Khi nói về phương pháp giúp tinh thần và thể chất ổn định, người ta thường nhắc đến việc tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, giải pháp khác có hiệu quả tương đương, giúp con người vượt qua trạng thái chán nản và tiêu cực là thực hành lòng biết ơn.

Theo Anthony Rella, cố vấn sức khỏe tâm thần ở bang Washington, Mỹ, về mặt tâm lý, mọi người có xu hướng chú ý đến các vấn đề tiêu cực như khủng hoảng kinh tế, căng thẳng trong công việc, bất ổn chính trị. Một số người cảm thấy áp lực và ám ảnh quá mức về thành công của những người khác. Bộ não có xu hướng so sánh những thành tựu đó với bản thân, bắt đầu một chu kỳ suy nghĩ tiêu cực.

Tiến sĩ Rella gọi phương pháp thực hành lòng biết ơn là “tập tạ cho bộ não”. Phương pháp này buộc não bộ suy nghĩ chậm lại, nhìn nhận thế giới một cách cân bằng hơn.

Lily Gordon, cố vấn sức khỏe tâm thần tại Self Space Seattle, ở Washington, giải thích: “Lòng biết ơn có thể cải thiện tâm trạng, giúp chúng ta giảm căng thẳng và lo lắng, nâng cao khả năng hồi phục. Nó cũng khiến con người kết nối tốt hơn, cải thiện các mối quan hệ”.

Trong phân tích tổng hợp năm 2021 gồm 61 nghiên cứu công bố trên Tạp chí Quốc tế Depression and Anxiety, các nhà nghiên cứu phát hiện những người có lòng biết ơn cao thường có mức độ trầm cảm thấp.

Nghiên cứu khác năm 2017 chỉ ra rằng việc viết nhật ký lòng biết ơn hữu ích đối với các bệnh nhân suy tim. Người tham gia thực hành lòng biết ơn đã cải thiện các dấu hiệu sinh tồn liên quan đến tình trạng viêm, nhịp tim của họ cũng thay đổi. Đây là hai dấu hiệu tích cực về sức khỏe tim mạch.

Viết nhật ký lòng biết ơn là một phương pháp để thực hành lòng biết ơn. Ảnh: Freepik
Viết nhật ký lòng biết ơn là một phương pháp để thực hành lòng biết ơn. Ảnh: Freepik

“Ban đầu, bạn có thể thấy hoạt động này khá kỳ lạ nếu chưa thực hiện trước đây. Tôi luôn khuyến khích mọi người làm điều này vài tuần, rồi mới quan sát sự thay đổi”, tiến sĩ Gordon nói.

Để thực hành phương pháp này, bạn có thể chọn viết ra những điều bạn biết ơn một tuần một lần hoặc hàng ngày ra giấy hoặc ứng dụng trên mạng. Bạn có thể tập luyện cùng bạn bè 10 phút hoặc thực hiện một mình.

Tiến sĩ Gordon khuyến khích mọi người cụ thể hóa lòng biết ơn của mình. Chẳng hạn, viết ra những điều bạn yêu thích ở người yêu, bạn đời, bạn bè hoặc gia đình. Đó có thể là lòng tốt, sự kiên nhẫn hoặc khiếu hài hước.

“Sống chậm lại và suy ngẫm về những chi tiết này là một phần khiến phương pháp thực hành lòng biết ơn có hiệu quả. Nếu đang gặp khó khăn trong việc xác định những gì khiến bạn biết ơn, đừng quá căng thẳng, hãy viết đơn giản thôi”, tiến sĩ Gordon cho biết.

Theo cố vấn sức khỏe Rella, mục tiêu của phương pháp thực hành lòng biết ơn không phải giải quyết được các vấn đề.

“Điều quan trọng nhất là thay đổi thái độ của bạn. Bạn bắt đầu có cảm giác cuộc đời mình tốt đẹp, cảm thấy bình thường trước sóng gió, hiểu rằng đó là một phần của cuộc sống”, ông nói.

Tác dụng của phương pháp này sẽ tăng lên theo thời gian. Càng thực hành đều đặn, mọi người sẽ cảm thấy biết hơn cuộc sống nhiều hơn mỗi ngày. Đối với tiến sĩ Gordon, thực hành lòng biết ơn là cách để “chạm vào khoảnh khắc hiện tại”.

Bài viết liên quan:

Tính ích kỷ

Tác giả: Sébastien Eskenazi Nguồn bài viết: Vnexpress.net Tôi là người Pháp, đã gặp người vợ Việt Nam của mình cách đây hơn chục năm. Khi mối quan hệ trở nên nghiêm túc, chúng tôi thống nhất sẽ sống ở Việt Nam (không có ý định...

Quản Lý Bản Thân

Quản Lý Bản Thân Viết bởi  Peter F. Drucker Chúng ta đang sống trong thời đại của những cơ hội chưa từng có: Nếu bạn có tham vọng và trí tuệ, bạn có thể vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực mà mình đã chọn, cho dù bạn bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, cơ hội đi kèm với trách...

Những Rủi Ro Không Dự Đoán Được

Chuỗi bài: Quản lý rủi ro Phần 1: Những rủi ro không dự đoán được Viết bởi Robert S.Kaplan, Herman B.Leonard, và Anette Mikes Bài viết được dịch lại từ Harvard Business Review bởi đội cộng sự của Trường Doanh Nhân PR. Với mục đích dẫn chứng thêm những hiện trạng thực...