Chỉ trong vài ngày đầu tháng 2 năm 2022, người Mỹ đã khiến cả thế giới “nghẹt thở” bởi những cảnh báo khủng khiếp về một cuộc “xâm lược Ukraine của Nga”. Các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, đặc biệt là Mỹ không ngừng cảnh báo về nguy cơ Nga chiếm đóng Ukraine “bất cứ ngày nào”. Sự kiện này đã làm cho thị trường thế giới trải qua những rung lắc mạnh mẽ. Tuy nhiên, thông tin Nga đang rút một số lực lượng gần biên giới Ukraine về các căn cứ của họ sau nhiều tuần khủng hoảng với phương Tây đã đem đến những phản ứng tích cực cho thị trường.
Biến chuyển của thị trường chứng khoán thế giới
Cụ thể, những thông tin về hoàn tất tập trận và rút quân về căn cứ của Nga đã làm dịu đi căng thẳng biên giới Nga – Ukraine. Điều này là động lực giúp các chỉ số chính của Mỹ tăng tốt (Dow Jones) và mạnh (Nasdaq) trong đêm 15 tháng 2. Đồng thời, thị trường chứng khoán châu Âu sau đó cũng phục hồi và giao dịch cao hơn ngày 15 tháng 2 trước những thông tin này. Trong đó, đến 3:40 sáng ET (0840 GMT), DAX ở Đức giao dịch cao hơn 1,1%, CAC 40 ở Pháp tăng 1,3% và FTSE 100 của Anh tăng 0,8%.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn luôn canh cánh về lo ngại rằng một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sắp xảy ra, đặc biệt là sau khi Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Kiev vào cuối ngày thứ Hai (14/2) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định “nguy cơ Nga tiến hành các hành động quân sự là rất cao” tại biên giới của Ukraine.
Tác động đến thị trường dầu thô và vàng trên thế giới
Trước đó, lo ngại về các lệnh trừng phạt trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine đã khiến giá dầu thô tăng lên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, sau tuyên bố Nga rút quân khỏi Ukraine vào ngày 15/2, giá dầu đã quay đầu giảm và giảm hơn 3%.
Ngoài ra, giá vàng kỳ hạn cũng giảm 0,1% xuống còn 1.867,95 USD/ounce nhờ sự kiện này, trong khi giao dịch đồng EUR/USD cao hơn 0,3% ở mức 1,1338.