Những ngày gần đây, có thể nói bão giá đang âm thầm tấn công vào mọi gia đình. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát đã đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao trong giai đoạn vừa qua, nổi bật trong đó là giá xăng dầu trong nước cũng như giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu cũng chưa được điều chỉnh để giải quyết các thực trạng trên. Do đó, việc áp dụng phương pháp quản lý tài chính cá nhân một cách hợp lý sẽ giúp bản thân chúng ta “dễ dàng” vượt qua những khó khăn về mặt kinh tế.
Tại sao bạn nên quản lý tài chính cá nhân?
Quản lý tài chính cá nhân là quá trình vận dụng nguyên tắc tài chính để giải quyết việc hoạch định ngân sách gia đình mình một cách hợp lý trong 2 mặt: tổng thu và tổng chi. Ngoài ra, đó còn là cách bạn giải quyết việc tiết kiệm, tiêu tiền, kiếm tiền và quản trị rủi ro một cách chủ động ở thời điểm hiện tại và tương lai. Một trong những nguyên tắc phổ biến và thông dụng nhất trong việc giúp bạn “đơn giản hóa” quá trình quản trị tài chính cá nhân là quy tắc “6 chiếc lọ”.
6 chiếc lọ trong phương pháp JARS tượng trưng cho 6 phần thu nhập hàng tháng của bạn. Mỗi lọ đều có tên riêng và chức năng nhất định (Tuyệt đối không dùng tiền của lọ này vào lọ khác). Trong phương pháp trên, nếu thu nhập hàng tháng của bạn là 100% thì từng chiếc lọ sẽ chiếm một khoảng % nhất định và sẽ là công cụ phục vụ cho những nhu cầu và mục đích riêng biệt trong cuộc sống hàng ngày.
Lọ 1 – Necessity Account (NEC) – Nhu cầu cần thiết- 55%/ tổng thu nhập
Quỹ NEC được chia tỷ lệ là: 55% dựa trên mức tính toán chung về tiêu chuẩn sống cần thiết của mỗi cá nhân.
Đây là quỹ tiền bạc nhằm mục đích chi trả cho các khoản sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống bạn mỗi tháng. Ví dụ: việc bạn chi cho các hóa đơn cơ bản như: tiền điện nước, thuê nhà, ăn uống, mua sắm, phương tiện di chuyển, …
Lọ 2 – Long term saving for spending account – LTSS – Quỹ dự phòng dài hạn – 10%/ tổng thu nhập
Trong quy tắc 6 chiếc lọ JARS, quỹ dự phòng dài hạn sẽ giúp bạn thực hiện được nhiều kế hoạch dài hạn trong tương lai. Do đó, mỗi tháng hãy cố gắng trích lập 10% tổng thu nhập cá nhân để bỏ vào quỹ dự phòng.
Quỹ dự phòng dài hạn không chỉ là quỹ tiền có thể giúp bạn thực hiện những ước mơ mà còn là quỹ tiền có thể giúp bạn ứng phó với những khó khăn, bất trắc bất ngờ trong cuộc sống tương lai, ví dụ bệnh tật, rủi ro trong công việc,..
Lọ 3 – Education account (EDU) – Quỹ giáo dục – 10%/ tổng thu nhập
Quỹ EDUC dùng cho việc rèn luyện phát triển bản thân mình mỗi ngày. Đầu tư tốt nhất là việc bạn đầu tư vào tri thức, do đó, “tầm vóc” của bạn sẽ ngày càng lớn hơn qua mỗi ngày. Đây là chiếc lọ chứa 10% tổng thu nhập của bạn để sử dụng vào việc giáo dục và trau dồi thêm cho bản thân mình. Hãy tận dụng quỹ EDUC để có thể phát triển bản thân mình một cách tốt nhất có thể, hàng ngày từng chút từng chút một. Có một câu châm ngôn rất hay về việc đầu tư giáo dục, đó là” Đọc sách là cưỡi trên vai người khổng lồ”.
Lọ 4 – Play account – PLAY – Quỹ hưởng thụ – 10%/ tổng thu nhập
Trong quy tắc 6 chiếc lọ, quỹ hưởng thụ là quỹ sẽ được trích 10% từ tổng thu nhập cá nhân mỗi tháng. Cuộc sống phải có ý nghĩa riêng thì bạn mới cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Do vậy, hãy dành thời gian để hưởng thụ sau những cống hiến không biết mệt mỏi của bản thân.
Lọ 5 – Give account GIVE – Quỹ cho đi – 5%/ tổng thu nhập
Quỹ GIVE hay còn gọi là quỹ cho đi nhằm mục đích giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuả mình đối với cuộc sống. Sử dụng 5% tổng thu nhập của bạn để bỏ vào quỹ GIVE mỗi tháng.
Thành công lớn nhất của bạn là khi bản thân ta có thể sẻ chia, gieo mầm và tạo lợi ích cho xã hội. Chúng ta có thể dùng quỹ GIVE để làm từ thiện; giúp đỡ mọi người trong gia đình, bạn bè, …
Lọ 6 – Financial freedom account (FFA)- Quỹ tự đầu tư 10%
Quỹ FFA hay còn là quỹ tài chính tự do nhằm mục tiêu giúp bạn có thể taọ ra một khoản thu nhập thụ động bên cạnh công việc chính cuả bản thân mình (Tiền đẻ ra tiền). Các kênh đầu tư bạn có thể tham khảo như kênh:
- Đầu tư vào thị trường chứng khoán;
- Đầu tư vàng;
- Đầu tư bất động sản;
- Gửi tiết kiệm ngân hàng;
- Trái phiếu, quỹ hưu trí và bảo hiểm.