Tổng quan
Theo nghiên cứu của WorldBank, tình trạng lạm phát tăng cao dẫn đến hệ quả các nước trên thế giới đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ ngày một nhanh hơn. Trong đó, lợi tức trái phiếu của các nền kinh tế lớn đã có đà tăng rõ rệt cùng với thước đo trong việc biến động vốn chủ sở hữu cũng không ngừng liên tục tăng cao, và hệ quả là gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc định giá các tài sản rủi ro. Tính từ thời điểm đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ và khu vực EU đã giảm lần lượt khoảng từ 12-13%. Đồng thời, dưới tác động của cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã có những tác động không nhỏ đến đà tăng của đồng bạc xanh so với những đồng tiền của các nước đang phát triển và những nền kinh tế mới nổi.
Vào ngày 27/7/2022 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã thông báo nâng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tăng phi mã và tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ đang ở mức 2.25 – 2.5%, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 cho đến nay.
Lý do của hành động
Việc FED mạnh tay trong việc tiếp tục duy trì mức lãi suất cao, bất chấp những rủi ro suy thoái được ông Jerome Powell, chủ tịch FED, cho hay rằng :“Trong bối cảnh các hộ gia đình đã và đang chật vật với giá khí đốt, nhà ở, thực phẩm ngày một tăng cao thì việc kìm hãm lạm phát tăng mạnh là ưu tiên hàng đầu của cục dự trữ liên bang Mỹ. Ngay cả khi chủ trương này khó có thể đáp ứng được việc vừa phải kìm hãm lạm phát nhưng vẫn duy trì được đà tăng trưởng cho nền kinh tế trong giai đoạn tới”.
Thực tế đã cho thấy rằng bất chấp việc thị trường lao động tại Mỹ đã có nhiều điểm sáng khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục nhưng mức tăng thu nhập của người dân ở nước này lại không theo kịp với đà tăng của giá tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay. Lạm phát ở Mỹ trong tháng 6 vừa qua đã ghi nhận mức tăng kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua với chỉ số đạt mức 9.1%. Với đà tăng “phi mã” hiện tại, nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại và thậm chí khiến cho nhiều lao động bị mất việc hơn. Tuy nhiên theo phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đồng thời cũng là cựu chủ tịch FED đã cho hay :“Mặc dù nền kinh tế Mỹ sẽ phát triển chậm lại trong giai đoạn tới hoặc không hẳn sẽ tránh được một cuộc suy thoái, song cơ quan này vẫn có một lộ trình nhằm duy trì thị trường lao động khởi sắc và giúp giảm lạm phát trong các đợt tăng lãi suất tiếp theo”.
Hệ lụy của việc liên tục tăng lãi suất
Với việc FED tăng mạnh lãi suất giai đoạn gần đây đã thể hiện rõ xu hướng về việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương tại các nước lớn trên thế giới nhằm đối phó với tình trạng lạm phát ngày một leo thang.
Lãi suất cao hơn nhìn chung sẽ giúp làm giảm lạm phát bằng cách giảm chi tiêu, từ đó sẽ làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế và thậm chí có thể dẫn đến thất nghiệp hàng loạt.
Khi FED tăng lãi suất, điều đó đồng nghĩa với lãi suất ở tất cả mọi thứ, nó đến từ nợ thẻ tín dụng đến việc thế chấp, các khoản vay kinh doanh, tiêu dùng đều đồng loạt tăng lên. Trong đó, với việc vay kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn, các doanh nghiệp từ đó sẽ phải ký hợp đồng và thuê lại ít hơn. Trong khi đó, nếu các khoản thế chấp, vay tiêu dùng đắt hơn, người dân sẽ ít mua nhà và khi lãi suất thẻ tín dụng cũng trở nên cao như thế, mọi người sẽ có hành vi thắt chặt chi tiêu của mình. Hệ quả của việc tăng lãi suất sau đó sẽ là việc lạm phát được kìm hãm và trở nên ít hơn, tuy nhiên nền kinh tế cũng tăng trưởng chậm hơn hẳn.
Kết luận
Trong lịch sử, trải qua 11 chu kỳ thắt chặt tiền tệ trước đây, FED chỉ 3 lần là tránh được việc đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Một điểm nổi bật trong các chu kỳ trước đó là việc chỉ số lạm phát đều ở mức thấp hơn thời điểm hiện tại, do đó, giới phân tích và thị trường vẫn không mấy lạc quan với tình hình hiện tại.
Với 2 lần liên tiếp nâng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm (một động thái chưa từng có tiền lệ trước đây) đã cho thấy rất rõ quyết tâm trong việc kìm hãm và chống lạm phát cao nhất 4 thập kỷ qua của cơ quan này. Ông Powell cũng lên tiếng sau đó rằng:” Rủi ro lớn nhất của nền kinh tế là lạm phát dai dẳng, chứ không phải là nền kinh tế đi xuống” đã một lần nữa cho thấy rõ động cơ hành động của FED và sẽ tiếp tục thực hiện những đợt tăng lãi suất tiếp theo để có thể kiểm soát tốt mục tiêu đã đề ra.