Cổ phiếu nhóm ngành thuỷ sản đã có một năm 2021 tăng trưởng ngoài mong đợi dù gặp nhiều tác động tiêu cực trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, nhờ vào sự khởi sắc hơn của thị trường xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Với mức định giá tương đối hấp dẫn, cùng triển vọng ngành tích cực, nhóm cổ phiếu thuỷ sản được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trong năm 2022.
1. CTCP Thực phẩm Sao Ta (FCM)
2021 là năm một lần nữa minh chứng câu nói “Trường đồ tri mã lực”, kết thúc một năm gồng mình do dịch bệnh, khi càng đối diện nhiều khó khăn, thử thách, FMC càng thể hiện bản lĩnh mình rõ nét hơn với thành quả cả năm cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động, là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm của công ty:
- Doanh thu 2021 đạt 4.850 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020, vượt kế hoạch 6%;
- Lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020;
- Sản lượng tôm chế biến đạt 22.790 tấn (tăng 12%);
- Tôm tiêu thụ đạt 18.370 tấn (tăng 7%);
- Nông sản tiêu thụ đạt 1.590 tấn (tăng 32%).
Dự phóng tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ từ việc mở rộng công suất, trong khi giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022.
Ngay sau Tết, trại tôm đã bắt đầu thả giống, khởi đầu cho mùa vụ mới. Trong đó có tăng thêm diện tích nuôi 52 hecta, là dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao công ty thành viên Khang An. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gia tăng được sản lượng đáng kể để đón đầu xu thế tăng trưởng khi bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới.
2022, cả hai nhà máy mới xây dựng sẽ đi vào hoạt động. Trong đó nhà máy Tam An thuộc công ty thành viên Khang An chuyên chế biến hàng phối chế, có những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mới người tiêu dùng. Kèm với đó đối tác chiến lược C.P VN với công ty mẹ là Tập đoàn PAN sẽ là nguồn động lực chính thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận FMC trong 2022.
2. CTCP Vĩnh Hoàn (VHC)
Kết quả kinh doanh năm 2021 cho thấy sự tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận dù ngành nhiều khó khăn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 9,054 tỷ (+28.7% YoY) và 1,110 tỷ (+57.5% YoY).
Doanh thu tăng trưởng tích cực do xuất khẩu cá tra và phụ phẩm hồi phục từ mức nền thấp của năm ngoái: Doanh thu cá tra đạt 5,961 tỷ (+23% YoY) và doanh thu phụ phẩm đạt 1,697 tỷ (+39% YoY).
Lợi nhuận tăng trưởng nhanh hơn doanh thu do biên gộp tăng mạnh lên mức 19.4% so với mức biên 14.2% cùng kỳ. BSC cho rằng biên gộp tăng do giá xuất khẩu các thị trường tăng khả quan (giá xuất khẩu trung bình năm 2021 của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc tăng 19% so với cùng kỳ).
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ (+75% YoY) chủ yếu do chi phí vận chuyển, lưu kho tăng mạnh, đạt mức 291 tỷ (+171% YoY) do cước tàu tăng cao.
VHC được định giá kỳ vọng cho năm 2022 ở mức 91.600 đồng/cp với những luận điểm chính:
1/ Vị trí dẫn đầu thị trường đã được chứng minh với hiệu quả sản xuất trong thời kỳ khó khăn của dịch bệnh, đồng thời công ty thương lượng được chi phí vận chuyển thấp hơn so với các công ty cùng ngành.
2/ Sản lượng cá tra phi lê (+8% so với cùng kỳ), giá bán bình quân (+10% so với cùng kỳ) và biên lợi nhuận gộp (+110 bps) sẽ mở rộng trong năm 2022 nhờ nhu cầu tăng mạnh ở Mỹ, cũng như sự phục hồi ở thị trường Châu Âu và Trung Quốc.
3/ Wellness và SGC đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần lần lượt là 9% và 10% so với cùng kỳ, giúp nâng cao biên lợi nhuận gộp chung (+140 bps).
Ước tính VHC sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu năm 2021/2022 là 27,1%/15,7% so với cùng kỳ và LNST đạt mức tăng trưởng 25,7%/30,1% so với cùng kỳ.