Phần 1: Ngành Ngân hàng
Tổng quan của nhóm ngành
Theo đánh giá của Vietnam Report, triển vọng hồi phục cùng với sự tăng trưởng của nhóm ngành ngân hàng trong năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế đại dịch Covid-19, đồng thời cũng chịu sự tác động của quá trình phục hồi kinh tế. Nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế nước ta ổn định thì khả năng hấp thụ vốn của toàn nền kinh tế sẽ tăng lên, hoạt động cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng cũng sẽ giữ được đà tăng trưởng, chất lượng tài sản, thu nhập của nhóm ngành ngân hàng cũng từ đó sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, những con số tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại – dịch vụ, du lịch, …. đã cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã và đang trên đà phục hồi khá tốt, với tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước và dự báo đạt được mục tiêu đề ra với mức tăng trưởng cả năm ở mức 6 – 6.5%. Với những tác động mạnh mẽ đến từ việc nền kinh tế đang phục hồi một cách ổn định và việc khống chế tốt dịch bệnh, ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm được dự báo có rất nhiều điểm sáng trong giai đoạn tới.
Những xu hướng phục hồi – tăng trưởng và rủi ro tiềm ẩn của ngành
Cổ phiếu của ngành ngân hàng đã có mức sụt giảm sâu về giá khoảng 32% tính từ đỉnh đầu năm 2022, do chịu tác động từ chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản, room tín dụng cạn cũng như các thông tin xấu của các ngân hàng liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ việc Chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu rủi ro và phát triển lành mạnh hóa thị trường.
Về mặt định giá dựa trên chỉ số P/E: chỉ có 2 đại diện xuất hiện là MSB và OCB khi giá cổ phiếu của 2 mã này tiệm cận với vùng giá ở mức đáy Tháng 03/2020, trong khi đó, đa số các ngân hàng còn lại thì đang cách định giá vùng đáy khoảng 15-20%. Trong khi chỉ số P/B hiện tại là 1.5, đã giảm xuống mức trung bình 5 năm gần đây. Qua đó, mức định giá hiện tại của ngành ngân hàng cũng đang khá hấp dẫn.
Về những câu chuyện đầu tư nhóm này được hưởng lợi từ các thông tin như:
- Do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối Q1/2022. Việc NHNN đang xem xét nới room tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng trong Quý 3 sẽ giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành, với dự báo tốc độ tăng đạt 14-16%.
- Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ thực hiện thông qua các Ngân hàng Thương mại với dư nợ đạt mức 2 triệu tỷ đồng được phân phối cho 2 năm 2022 và 2023.
- Chất lượng tài sản được cải thiện nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, khi các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát tốt. Đồng thời với việc gia hạn Nghị quyết 42 đến hết ngày 31/12/2023 đã được Quốc hội chính thức thông qua, điều đó trở thành tín hiệu tích cực giúp ngành ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu còn đang tồn đọng và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, vẫn còn tồn động 1 số rủi ro dành cho nhóm Ngân hàng:
- Nợ xấu từ các doanh nghiệp bất động sản tăng nhanh khi tín dụng bất động sản vẫn bị thắt chặt. Cuối Tháng 4/2022, tổng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tăng 10.19% (tính từ đầu năm tới nay), trong đó chiếm tới 22.44% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
- Cuối quý 3 NHNN mới nới room tín dụng. Tuy nhiên việc nới room tín dụng cũng tùy thuộc vào các Ngân hàng có hệ số CAR và hệ thống quản trị rủi ro tốt hay không nhằm đảm bảo rủi ro.
- Lạm phát cao hơn dự kiến khiến NHNN tiếp tục thắt chặt dòng tiền tín dụng. Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong bối cảnh lạm phát đang tiếp tục tăng đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm để kiềm chế lạm phát.
Như vậy, câu chuyện của ngành ngân hàng năm nay phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như các biện pháp ổn định dịch bệnh, xã hội và các chính sách sắp tới của NHNN và nhà nước. Trong đó, tăng trưởng tín dụng mặc dù tốt nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm ở mức 14%. Chính sách mới được áp dụng để siết tín dụng bất động sản trong giai đoạn sắp tới, hạn chế trong việc mua vàng và đảo nợ… cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của ngành.