Kinh tế – xã hội Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 được diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm và dưới sự tác động của cuộc xung đột địa chính trị của Nga và Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nền kinh tế – xã hội của Việt Nam đã đạt được những dấu hiệu tích cực với việc hầu hết các ngành/nghề, lĩnh vực đã và đang bắt đầu có xu hướng hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Bên cạnh những điều tích cực, vì nước ta có độ mở kinh tế lớn nên vẫn phải chịu những tác động trực tiếp từ nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới, dịch bệnh và các yếu tố môi trường.
Trong 6 tháng đầu năm, GDP so với cùng kỳ năm trước đạt mức 6.42%, nối bật trong đó là việc GDP quý 2/2022 ước tính tăng 7.72% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng cao nhất của quý 2 so với cùng kỳ năm 2011 tới nay. Điều đó đã góp phần tạo nên đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của nền kinh tế – xã hội nước ta trong những quý tiếp theo.
Cụ thể hơn thông qua số liệu của số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) trong báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022, bức tranh về nền kinh tế – xã hội Việt Nam được phác thảo qua các khía cạnh như sau:
1. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân:
CPI tăng 2.44% so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát do Chính phủ liên tục có những quyết định mới về các giải pháp bình ổn giá xăng, lương thực thực phẩm.
2. Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%
- Nông nghiệp: sản lượng một số cây lâu năm tăng, chăn nuôi duy trì ở mức ổn định (99.5%) so với năm trước.
- Lâm nghiệp: khai thác gỗ ổn định, diện tích rừng trồng tập trung tăng 3.1% so với năm trước.
- Thủy sản: nuôi trồng thủy sản cho tín hiệu tăng trưởng tích cực xuyên suốt nửa đầu năm 2022. Với việc phát triển thủy sản trong nước ổn định, nhu cầu tiêu dùng và giá xuất khẩu tăng, cộng với việc Trung Quốc đóng cửa với chính sách “Zero Covid” đã tạo điều kiện cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta tăng cao trong giai đoạn vừa qua.
Việc kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhu cầu về sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng thiết yếu và xuất khẩu cùng với tác động của giá cả hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa trong nước tăng lên nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn ổn định. Ngành nông-lâm-ngư nghiệp phát triển ổn định đã đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực của nền kinh tế Việt Nam, tạo ra nền tảng cơ bản trong việc kiểm soát lạm phát trong nửa năm đầu ở mức 2.44% trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với “bão giá” lương thực như: EU, Mỹ, Anh, …
3. Dịch vụ lưu trú ăn uống:
Phục hồi trở lại mạnh mẽ với mức tăng lên tới 25.92%, trong đó: hoạt động hành chính và dịch vụ tăng cao nhất với 16.65%, tiếp đến là hoạt động nghệ thuật vui chơi giải trí với mức tăng 14.01% và các lĩnh vực khách cũng tăng trên 8%.
4. Thương mại trong nước, vận tải, du lịch:
Xuất hiện dấu hiệu hồi phục tích cực với việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu về dịch vụ tiêu dùng trong tháng 6 tăng 1.4% so với tháng trước và 27.3% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng giá trị 2.717 nghìn tỷ đồng (cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng 14.4% so với nửa đầu năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra đại dịch).
Lượng khách vận chuyển cũng đạt mức tăng 80.1% và luân chuyển tăng 125.8%, tiếp tục đà phục hồi tích cực sau 2 năm đại dịch.
5. Thương mại quốc tế:
Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa đạt giá trị 371.17 tỷ USD, tăng 16.4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể trong đó, xuất khẩu tăng 17.3% và nhập khẩu tăng 15.5%. Cán cân thương mại là xuất siêu 710 triệu USD, với việc 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 30 mặt hàng nhập khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD.
6. Sản xuất công nghiệp:
Có sự tăng trưởng trở lại với việc hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định và đang dần dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng 8.7% so với cùng kỳ năm trước trong nửa năm đầu.
7. Doanh nghiệp:
76.2 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký lên tới 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30.3%.
Nhìn chung, mỗi tháng có 19.5 nghìn doanh nghiệp mở mới hoặc quay trở lại hoạt động, và 13.9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do những biến động và khó khăn gặp phải do tình hình chính trị, chi phí.
8. Vốn đầu tư:
Giải ngân từ ngân sách Nhà nước trong nửa năm đầu đạt 192.2 nghìn tỷ đồng, tương đương 35.3% kế hoạch đề ra và tăng 10.1% so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật là việc vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, trở thành động lực quan trọng góp phần làm cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2022 và là nền tảng để thúc đẩy phát triển trong cả năm 2022.
9. Thể thao:
Thành công trong việc tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) với những kết quả ấn tượng. Cụ thể đạt được 205 huy chương vàng (cao nhất trong các nước tham dự) và thiết lập 21 kỷ lục mới.
KẾT LUẬN
- Tích cực:
Xuất hiện sự phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Những ngành trọng điểm như công nghiệp, dịch vụ và nông – lâm – ngư nghiệp phục hồi tích cực và duy trì được sự ổn định so với cùng kì năm trước.
Thương mại trong và ngoài nước phục hồi tích cực. Việc giải ngân tốt các gói đầu tư và vốn đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế vào 6 tháng cuối năm 2022.
- Tiêu cực:
Áp lực lạm phát ngày càng lớn hơn khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao do ảnh hưởng của “bão giá” hàng hóa từ thế giới và cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine. Đồng USD tăng giá (1.23% so với năm trước) sẽ gây ảnh hưởng tới giá trị của đồng nội tệ.
Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn do khủng hoảng về dầu mỏ, giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa ở một số thị trường vẫn bị gián đoạn (xung đột Nga – Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc). Từ đó, tác động tiêu cực đến nhiều hoạt động sản xuất và giao thương quốc tế cho nửa cuối năm 2022.
Việc thu hút đầu tư vẫn gặp khó khăn, tiến độ thi công một số công trình sử dụng vốn và ngân sách nhà nước vẫn còn chậm do thể chế và quy định, giải phóng mặt bằng, hoạt động đào tạo và tuyển dụng người lao động còn gặp nhiều khó khăn sau 2 năm đại dịch.